Bloomberg: Nvidia đang tiếp cận SoftBank để mua lại ARM?
Tin đồn SoftBank Group đang có ý định bán công ty con của họ, đơn vị thiết kế chip bán dẫn ARM của Anh đã có từ vài ngày qua. Nhưng tin tức mới nhất theo Bloomberg dẫn nguồn không chính thức, đó là Nvidia chính là một trong số những tập đoàn đang có ý tưởng mua lại ARM từ tay tập đoàn công nghệ Nhật Bản. Theo họ, Nvidia đã và đang tiếp cận SoftBank để nghiên cứu khả năng mua lại ARM. Bản thân quá trình đàm phán mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên, nên hoàn toàn có khả năng những ông lớn khác cũng sẽ nhảy vào thương vụ này.
Hồi năm 2016, ARM được SoftBank mua lại với giá 32 tỷ USD, và thương vụ bán ARM được kỳ vọng sẽ đem lại khoản tiền khổng lồ cho tập đoàn công nghệ do Masayoshi Son đứng đầu. Chưa kể đến chuyện, ARM hiện tại cũng đang nắm giữ 49% cổ phần của liên doanh ARM China, 51% cổ phần còn lại thuộc về quỹ đầu tư Hopu Investment.
Thương vụ mua lại ARM sẽ là một trong những vụ chuyển nhượng lớn nhất của ngành chip bán dẫn thế giới trong vài năm trở lại đây. Bất kỳ đơn vị nào muốn sở hữu ARM đều sẽ có thể phải chi trả một số tiền khổng lồ. Ấy là chưa kể, sát nhập hai công ty lớn của ngành chip bán dẫn có thể khiến các nhà lập pháp vào cuộc để chống độc quyền. Vấn đề thứ ba chính là từ phía những khách hàng hiện tại của ARM, họ sẽ muốn ngăn chặn thương vụ này để bảo vệ chiến lược kinh doanh, hoặc chí ít là đòi hỏi ARM phải đối xử với khách hàng một cách công bằng, không ưu tiên cho công ty mẹ, như Nvidia chẳng hạn.
Nhưng ở một khía cạnh tích cực hơn thì, Nvidia sẽ rất có lý khi mua lại ARM. Trước đó, SoftBank cũng đã đổ 4 tỷ USD đầu tư cho Nvidia vào năm 2017, tuy nhiên theo báo cáo tài chính của SoftBank vào đầu năm 2019, thì khoản cổ phần đó đều đã được thanh lý hết. Về phần Nvidia, trước đó họ đã bỏ tiền mua lại không ít cái tên máu mặt của ngành phát triển chip bán dẫn, như Mellanox Technologies vào ngày 27/4, kế đến là công ty phát triển phần mềm mã nguồn mở Cumulus Networks vào ngày 4/5 vừa rồi. Theo đuổi thương vụ ARM sẽ giúp Nvidia như hổ mọc thêm cánh trên thị trường chip xử lý AI, data center hay thậm chí là SoC trong các thiết bị di động.
Theo WCCFTech
Comments